Đó là khẳng định của ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai với phóng viên Dân Việt/NTNN xung quanh thông tin 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi 2.400 tỷ đồng (tương đương với gần 110 triệu USD) để nhập khẩu thịt các loại.
Không chỉ người nuôi lợn thường chịu thua lỗ nặng, mô hình nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Hoàng Văn Điền ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) cũng đang bị ế cả trăm con, gia đình ông Điền chịu lỗ hàng tỷ đồng.
Cụ thể theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi gần 110 triệu USD (khoảng 2.400 tỷ đồng) để nhập các loại thịt lợn, thịt gà và thịt bò từ các thị trường như Mỹ, Pháp, Úc. Trong đó, tổng lượng thịt lợn đã nhập khẩu là 3.027 tấn, kim ngạch đạt gần 5,28 triệu USD. Cùng với thịt, nước ta cũng nhập khẩu khoảng 990 con lợn giống, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và Pháp.
Theo ông Đoán, trước tình hình giá lợn giảm sâu, người chăn nuôi chịu thua lỗ nặng, Chính phủ đã kêu gọi sự vào cuộc tổng lực của các ban, ngành, các địa phương trong cả nước để giải cứu cho nông dân. Đến nay, cuộc giải cứu phần nào đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, nếu ngành Công Thương vẫn tiếp tục cho nhập khẩu thịt nhiều, đặc biệt là thịt lợn thì sẽ khiến cho nỗ lực giải cứu lợn của Chính phủ trở nên khó khăn hơn, mọi cố gắng của nông dân sẽ tiêu tan.
Ông Đoán nói: “Nhiều người lo ngại rằng, một khi ngành chăn nuôi lợn bị thất bát, người nuôi thua lỗ, phá sản dẫn đến nông dân thất nghiệp nhiều như hiện nay thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự. Bởi thế nên tôi hy vọng, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc giải cứu giúp cho bà con bớt thiệt hại".
Ông Đoán cho rằng, biện pháp đầu tiên là nhà nước phải rà soát lại sản xuất và việc nhập khẩu thịt để cân đối cho hợp lý. "Hiện nay đàn lợn trong nước đang dư thừa, ế ẩm nghiêm trọng mà vẫn cho nhập khẩu nhiều thì sẽ rất nguy hiểm” – ông Đoán khẳng định.
Do giá lợn giảm sâu, nhiều chủ trang trại lợn ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) phải cắt cám công nghiệp chuyển sang cho lợn ăn bằng cám rau để cầm cự.
Cũng theo Tổng cục Hải Quan, tổng số gia cầm giống nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt 711.160 con, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 3,04 triệu USD, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Pháp, Mỹ và Úc; tổng lượng thịt gà được nhập khẩu vào Việt Nam là 25.153 tấn, kim ngạch đạt gần 22,07 triệu USD.
Đáng chú ý, thịt trâu, bò là mặt hàng được nhập khẩu về nhiều nhất. Chỉ trong vòng 4 tháng Việt Nam đã nhập 78.447 con trâu, bò sống, kim ngạch nhập khẩu gần 80,22 triệu USD.
Đầu tháng 5.2017 vừa qua, khi chia sẻ với phóng viên NTNN về thông tin Việt Nam phải nhập khẩu nhiều trâu, bò, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay: “Hiện nay nguồn cung thịt trâu, bò cho thị trường trong nước vẫn rất thiếu, bà con nuôi ra vẫn chưa đủ ăn, đủ bán nên Việt Nam hàng năm phải nhập số lượng khá lớn bò hơi từ một số nước trên thế giới mới đủ dùng. Theo tính toán của chúng tôi, tổng số thịt bò có xương quy đổi mà Việt Nam nhập về năm 2016 là khoảng 45.000 tấn cộng với sản lượng thịt sản xuất ở trong nước khi quy đổi ra thì thấy rằng nguồn cung thịt bò trong nước mới đạt khoảng 78%, còn lại vẫn phải trông đợi vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài”.
Đánh giá thêm về thông tin Việt Nam nhập khẩu nhiều trâu, bò, ông Đoán cho rằng: “Trước thực trạng nguồn cung thịt trâu, bò trong nước đang thiếu thì việc nhập khẩu trâu, bò về để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhà nước vẫn cần phải rà soát lại việc sản xuất cũng như nhập khẩu để cân đối cho hợp lý”.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, các mặt hàng thịt nhập ngoại đang được bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay với giá khá rẻ. Đơn cử, thịt bò Mỹ, Úc giá bán dao động từ 100.000-500.000 đồng/kg, tùy loại; thịt trâu Ấn Độ từ 95.000-150.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, giá thịt lợn nhập khẩu được dao bán từ 35.000-60.000 đồng/kg tùy loại.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, vào những ngày giá lợn giảm sâu lịch sử này, việc nuôi lợn nái sẽ càng khiến nông dân thiệt hại nặng. "Lợn ăn hết sổ đỏ, ăn cả thịt người, nếu bà con còn cứ để lợn nuôi thêm ngày nào là nó ăn thịt mình ngày đó" - anh Hiếu thở dài.
Chia sẻ thêm về kết quả cuộc giải cứu lợn tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Đoán cho biết, Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong việc giải cứu lợn, dù đến nay số lượng lợn được giải cứu không đáng kể nhưng cũng phần nào giúp lấy lại lòng tin của người chăn nuôi, cũng như giúp cho người tiêu dùng trong tỉnh được sử dụng nguồn thịt giá rẻ.
“Những ngày, tháng đầu giải cứu đã giúp giá lợn trong tỉnh thoát đáy lên khoảng 30.000 đồng/kg lợn hơi (tính đến ngày 15.4). Tuy nhiên, ngay sau đó đến nay do một số doanh nghiệp ồ ạt tung lợn ra thị trường khiến cho giá lợn hơi lại quay đầu giảm và đến giờ chỉ còn trên dưới 25.000 đồng/kg” – ông Đoán chia sẻ.
Theo ông Đoán, dù người chăn nuôi lợn đang chịu thua lỗ nặng nhưng đối tượng trung gian lại đang hưởng lợi rất lớn. “Theo tính toán của tôi hiện mỗi tạ heo hơi bán với giá 25.000 đồng/kg, người nuôi đang lỗ khoảng trên dưới 20.000 đồng/kg (tương đương với khoảng trên dưới 2 triệu đồng/tạ heo). Trong khi đó đối tượng trung gian đang hưởng lợi khoảng 2 đến 3 triệu đồng/tạ.
“Đó là bài toán bất hợp lý nhất cần nhà nước phải vào cuộc giải đáp, xử lý ngay, đặc biệt là vấn đề quản lý, quy hoạch lại chăn nuôi lợn. Nhiều người cứ đổ lỗi cho nông dân làm ăn tự phát, tăng đàn không theo quy định nhưng theo tôi thấy không chỉ nông dân mà các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi heo ở trong nước còn tăng đàn ồ ạt và kinh hoàng hơn nhiều” – ông Đoán khẳng định.