Chưa khi nào, giá thịt lợn hơi lại giảm giá chóng mặt như thời điểm này, tại nhiều nơi, giá thịt đã xuống thấp dưới mức 25.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi giảm còn 15.000-16.000 đồng/kg, quy ra một con lợn 100kg chỉ có giá 1,5 triệu đồng.
Đã có nhiều tiếng nói lên tiếng phân tích về nguyên nhân của giá lợn giảm, trong đó vấn đề mấu chốt chính là: Cung đã vượt quá cầu, trong khi đầu ra cho xuất khẩu không có. Không giống như các mặt hàng nông sản (lúa gạo, cà phê…), việc tạm trữ có thể được thực hiện dễ dàng hơn. Việc tạm trữ lợn có khó khăn hơn, nhưng không phải không thực hiện được.
Do đó, trong khi đợi các giải pháp mang tính trung và dài hạn phát huy tác dụng, ngay trong lúc này nhà nước nên áp dụng ngay chính sách: Thu mua tạm trữ đồng loạt 1 triệu tấn thịt lợn hơi.
Giết, mổ lợn cấp đông là giải pháp khả dĩ nhất hiện nay để cứu giá lợn.
Giải pháp thứ nhất: Cụ thể, nhà nước cần chi ngân sách ra để cho các công ty có khả năng dự trữ đồng loạt thu mua khẩn cấp số lợn đã đến kỳ xuất chuồng và lợn quá lứa với mức sàn thu mua có thể áp dụng là: 25.000 đồng/kg. Như vậy, nhà nước sẽ cần ít nhất 2.500 tỷ đồng để thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lợn hơi. Đồng thời, nhà nước cũng chi ít nhất 5.000 đồng/kg để cho các doanh nghiệp tổ chức giết mổ, vận chuyển, tạm trữ, cộng lại là 3.000 tỷ đồng.
Vậy số thịt lợn này, sau đó sẽ giải quyết thế nào?. Theo các nhà khoa học, thời gian cấp đông thịt lợn có thể kéo dài đến 1 năm, mà vẫn giữ nguyên chất lượng thịt. Sau thời gian tạm trữ đó, nhà nước có thể tiến hành mở kho đấu thầu thịt lợn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đặc biệt nhắm vào các bếp ăn công nghiệp, các đơn vị quân đội, công an, trường học… và nhà nước vẫn thu lại được tiền đã bỏ ra để thu mua tạm trữ.
Áp dụng biện pháp trên, chúng ta sẽ chặn ngay được đà giảm giá, tránh bị thương lái lũng đoạn thị trường, giúp người chăn nuôi giải quyết ngay khó khăn trước mắt, có tiền để trả nợ và không phải chi thêm tiền mua cám, vắc xin .
Nhiều trại nuôi lợn lớn đã phải bỏ trống chuồng như thế này.
Giải pháp thứ hai: Tổ chức giết mổ tập trung để đưa thẳng thịt lợn hoặc sản phẩm thịt lợn đã được chế biến từ chuồng nuôi tới các khách hàng lớn như bếp ăn tập thể, quân đội, khu công nghiệp, siêu thị, trường học… Giải pháp này sẽ “chặt đứt” chi phí trung gian, từ đó giảm được giá thành mua thịt lợn thành phẩm, giúp cho nhiều người dân có cơ hội được sử dụng thịt lợn với giá rẻ hơn. Từ đó tăng tổng cầu lên, giúp việc tiêu thụ thịt lợn tăng lên, kéo theo giá thành tăng. Giải pháp này chỉ cần nhà nước đứng ra tổ chức, giám sát chất lượng thịt lợn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giết mổ sạch sẽ.
Giải pháp thứ ba: Giảm ngay đàn lợn nái xuống mức phù hợp. Theo thống kê của Bộ NNPTNT, hiện cả nước có 4,2 triệu con lợn nái, trung bình mỗi con đẻ 19 con/năm, thì đã có tới 80 triệu con lợn thương phẩm là con số quá khủng khiếp. Việc giảm đàn lợn nái sẽ có tác dụng giảm đà tăng đàn sau khi nhà nước triển khai hai biện pháp nói trên.
Các giải pháp như quy hoạch, chờ đợi tìm kiếm thị trường xuất khẩu, giảm giá thức ăn chăn nuôi, quy hoạch vùng nuôi lợn, điều kiện xây dựng chuồng trại… cũng cần được triển khai ngay sau đó để không còn lặp lại cảnh, nhà nhà đi nuôi lợn, người người đi nuôi lợn nữa.
Việc giải cứu ngành chăn nuôi lợn có ý nghĩa rất quan trọng với kinh tế nước ta. Bởi giá lợn giảm không chỉ tác động đến đối tượng chính là người chăn nuôi, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, đến ngành trồng trọt và nhiều dịch vụ khác… Lợn cũng là vật nuôi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị của toàn ngành chăn nuôi.
Nếu nhà nước không khẩn trương có các giải pháp để điều tiết, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi lợn, đó sẽ là “thảm họa”. “Thảm họa” không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế, mà còn liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, việc làm, nợ nần, ô nhiễm môi trường… đến sự ổn định ở xã hội nông thôn - nơi có tới 5 triệu hộ đang nuôi lợn.