Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Dân Việt cho thấy, hiện ở nhiều vùng nuôi lợn, giá xuống chỉ còn 16.000-17.000 đồng/kg nhưng người dân vẫn không thể bán được; hết đường người dân đành bỏ đói lợn, cho ăn cầm hơi, vì họ không dám mua thêm cám cho ăn.
Làm nghề chăn nuôi đã cả chục năm nay, chưa bao giờ ông Nguyễn Minh Giám ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (Hà Nội) lại rơi vào tình cảm thê thảm như năm nay.Cả đàn lợn nhà ông Giám đang "tuổi ăn- tuổi lớn", sắp đến kỳ xuất chuồng, mà không có thương lái nào đến hỏi mua. “Giá lợn giảm sâu chưa từng có, đã thế người mua cũng không có, gia đình tôi suốt ruột quá thường xuyên gọi điện chào hàng mà lái nào cũng từ chối, nhiều người còn tránh mặt” – ông Giám ngậm ngùi nói.
Trong 2 ngày ngày 25 và 26.4, theo khảo sát của phóng viên Dân Việt tại các vùng chăn nuôi lợn lớn của Hà Nội như Hoài Đức, Đông Anh, Ứng Hòa… nhiều nơi giá lợn hơi đã giảm xuống dưới 20.000 đồng/kg, thậm chí ở Hoài Đức giá lợn đã xuống tới 15.000 đồng đến 16.000 đồng/kg..
Nhằm "cắt lỗ" cho đàn lợn, hai vợ chồng ông Giám đã phải đối phó với đàn lợn bằng cách giảm bữa ăn, thay vào đó ông Giám cho lợn uống nhiều nước hơn, các thức ăn cho dành cho chúng cũng đã được ông Giám thay bằng rau, cám gạo (loại gạo vụn xay lẫn đầu trấu). “Phải ứng biến tình thế thôi, chứ cho ăn cám đều như trước thì chúng ăn mất nhà, cửa, đất đai mất” – ông Giám cho hay.
Nhiều đàn lợn tại các trang trại ở Hoài Đức đã quá cỡ (khoảng trên 1,5 đến 2 tạ/con) mà vẫn không có người mua.
Theo tính toán của ông Giám, với giá thị trường hiện tại khoảng 16.000 đến 17.000 đồng/kg/lợn hơi, gia đình ông và các hộ nuôi lợn ở trong và ngoài xã lỗ khoảng từ 1,2 triệu đến trên dưới 1,6 triệu đồng/con, tùy thuộc vào điều kiện từng gia đình.
Ông Giám, một chủ trại lợn ở xã Cát Quế cho biết: Với giá lợn giảm sâu như hiện nay, nhiều trang trại nuôi lợn ở trong và ngoài xã đã và đang chịu thua lỗ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Cũng rơi vào tình cảnh thê thảm không kém gia đình ông Giám, hộ bà Phạm Thị Chúc ở thôn Cát Ngòi, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức. Nhà bà Chúc đang có khoảng gần 100 con, trong đó có nhiều con đã đến và quá tuổi xuất chuồng nhưng cũng không thể bán nổi. Trò chuyện với chúng tôi, bà Chúc bảo: “Lợn ăn hết cả học phí của các con tôi, sắp ăn hết cả nhà rồi mà vẫn chưa bán được, thua lỗ nặng quá. Không biết đến bao giờ gia đình tôi mới gượng dạy được”.
“Mong nhà nước sớm có chính sách cụ thể và bằng các hành động thiết thực như kêu gọi các doanh nghiệp vào thu mua lợn giúp bà con hoặc có thể Chính phủ huy động các ngân hàng cho dân vay vốn ưu đãi để chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi khác để thu hồi lại vốn, nếu không cứ để dân tự bơi như hiện nay thì chúng tôi sẽ càng thêm thua lỗ, cùng cực” – bà Chúc chia sẻ.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế, nhiều hộ đã phải đối phó với đàn lợn bằng cách cho lợn uống nước lã, ăn cám rau cầm hơi thay vì cho ăn các loại cám công nghiệp như trước đây.
Vào những ngày này về các thôn, xã nông thôn mới của huyện Hoài Đức, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy người dân kêu than, trên khuôn mặt ai cũng buồn như nhà có tang. Ông Trần Văn Long – Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế, huyện Hoài Đức cho rằng: “Cát Quế là vùng chăn nuôi lợn truyền thống, hầu hết các hộ dân trong xã đều làm nghề nuôi lợn, là nguồn thu nhập chính của họ. Nếu nhà nước không nhanh tay có biện pháp cứu người nuôi lợn sớm thì bà con sẽ càng thiệt hại nặng nề, hậu quả để lại sẽ rất lớn”.
Ông Giám đổ cám rau cho đàn lợn ăn tại trại của gia đình ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức.
Đề xuất giải pháp cứu người chăn nuôi, ông Long cho hay: “Theo tôi việc đầu tiên nhà nước cần làm ngay là chặn đứng nhập khẩu các sản phẩm lợn, gia cầm từ nước ngoài về. Cùng với đó, Bộ NNPTNT cần kêu gọi các doanh nghiệp, các siêu thị trong cả nước nhanh tay vào cuộc thu mua lợn cho bà con thì may ra tình hình mới có thể cải thiện được”.
Bà Chúc thất thần bên đàn lợn ế ngoại cỡ (trên 150kg/con) của gia đình ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức nhưng không có thương lái nào đến thu mua.